Search engine là gì? Điểm mặt 10 search engine phổ biến nhất
Cho đến nay, search engine đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của mọi người một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các công cụ tìm kiếm, cách hoạt động của chúng, và điểm qua 10 Search engine tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay trên toàn cầu.
Search Engine là gì?
Search Engine (hay còn gọi là công cụ tìm kiếm, bộ máy tìm kiếm) là hệ thống giúp người dùng tìm kiếm thông tin trên Internet. Người dùng nhập từ hoặc cụm từ vào khung tìm kiếm để nhận các kết quả như trang web, hình ảnh, video, địa chỉ, bản đồ, tài liệu,.... Kết quả được sắp xếp dựa trên thuật toán riêng của từng Search Engine. Vì vậy, khi làm SEO, bạn cần nghiên cứu thuật toán của Search Engine để xây dựng chiến lược phù hợp.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất mà hầu hết mọi người dùng để tra cứu thông tin hàng ngày, nghiên cứu sản phẩm và cập nhật tin tức mới nhất. Bởi vì nắm giữ thị trường này, Google cũng là nền tảng chính mà các chuyên gia SEO và nhà tiếp thị tập trung đến.
Cơ chế hoạt động của search engine
Search Engines hoạt động theo ba bước chính gồm: thu thập dữ liệu (crawling), sắp xếp vào kho dữ liệu (indexing), và truy xuất thông tin khi có truy vấn từ người dùng (retrieval).
1. Crawling
Crawling là quá trình mà các công cụ tìm kiếm sử dụng để tự động thu thập dữ liệu từ các trang web trên Internet. Các chương trình gọi là web crawlers hoặc web spiders được sử dụng để duyệt qua các liên kết dẫn đến từng trang web và thu thập thông tin từ các trang này. Quá trình crawling giúp cho Search Engine cập nhật và lấy dữ liệu mới từ các trang web, từ đó xây dựng lại cơ sở dữ liệu của mình để chuẩn bị cho việc truy xuất thông tin khi có yêu cầu từ người dùng.
2. Indexing
Dữ liệu thu thập được sau khi crawling sẽ được tổ chức và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Search Engine. Quá trình này giúp Search Engine nhanh chóng truy xuất thông tin khi có yêu cầu từ người dùng.
Quá trình indexing bao gồm các bước sau:
- Tiền xử lý dữ liệu: Dữ liệu thu thập từ crawling được tiền xử lý để loại bỏ các thành phần không cần thiết và chuẩn hóa dữ liệu.
- Tạo chỉ mục (index): Các thông tin quan trọng từ dữ liệu sau khi được tiền xử lý sẽ được tổ chức thành một chỉ mục. Chỉ mục này bao gồm các từ khóa, vị trí của chúng trong các tài liệu và các thông tin khác để tăng tốc quá trình truy xuất.
- Lưu trữ vào cơ sở dữ liệu: Chỉ mục sau khi được tạo sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Search Engine, sẵn sàng cho quá trình truy xuất thông tin khi người dùng tìm kiếm.
3. Retrieval
Các Search Engine truy xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu, sắp xếp kết quả và hiển thị danh sách câu trả lời khi nhận yêu cầu tra cứu từ người dùng, Thứ tự của các kết quả tìm kiếm được xác định chủ yếu dựa trên hai tiêu chí: sự liên quan và độ phổ biến. Các kết quả có liên quan nhất đến yêu cầu sẽ được ưu tiên, sau đó đến độ phổ biến của từng kết quả. Mỗi bộ máy tìm kiếm sử dụng các thuật toán khác nhau để đánh giá sự liên quan và độ phổ biến. Điều này dẫn đến sự đa dạng trong cách thức xếp hạng kết quả tìm kiếm giữa các công cụ tìm kiếm.
Quá trình retrieval là nơi mà SEO có thể can thiệp để tối ưu hóa hiển thị kết quả. Bằng các kỹ thuật SEO, chúng ta có thể cải thiện thứ hạng của một kết quả tìm kiếm và làm cho thuật toán của Search Engine đánh giá cao hơn trong danh sách kết quả cuối cùng.
Vai trò của các Search Engines trong marketing online
Để tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp, việc đầu tư vào Search Engines mang lại nhiều lợi ích quan trọng:
- Đầu tiên, doanh nghiệp có thể mở rộng môi trường kinh doanh trên Internet mà không bị giới hạn bởi thời gian, giúp tiết kiệm chi phí quảng cáo và thu hút khách hàng liên tục trong suốt 24 giờ.
- Việc thực hiện các chiến dịch quảng cáo trở nên đơn giản hơn rất nhiều thông qua các công cụ Search Engine. Bằng cách này, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với quảng cáo truyền thống thông qua website, số điện thoại hay email. Một khoản đầu tư ban đầu vào website và các công cụ SEO và SEM sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường online với một lượng khách hàng tiềm năng lớn.
- Việc sử dụng Search Engines cũng giúp doanh nghiệp lan tỏa thương hiệu một cách hiệu quả. Bằng cách khai thác thông tin một cách chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể xây dựng sự uy tín và chuyên nghiệp, từ đó thu hút nhiều khách hàng hơn và tăng cường niềm tin vào sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp.
Điểm mặt các search engine thông dụng nhất hiện nay
Bạn có tò mò search engine nào được người dùng sử dụng nhiều nhất hiện nay? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu danh sách sau nhé!
1. Google
Được thành lập từ năm 1997 bởi tập đoàn Google, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống kỹ thuật số hiện đại, với sự phổ biến lan rộng trên toàn cầu. Đơn giản hơn, có thể nói Google là công cụ tìm kiếm hàng đầu trên thế giới nhờ khả năng cung cấp kết quả phù hợp nhất.
Với hệ thống AI và Machine Learning tiên tiến, Google có khả năng xử lý hàng ngàn yêu cầu tìm kiếm cùng lúc và cung cấp kết quả chính xác và nhanh chóng. Thuật toán của Google được cập nhật liên tục để hiển thị những kết quả phù hợp nhất dựa trên thói quen sử dụng và nhu cầu của người dùng. Đây là lý do SEO Google ngày càng phổ biến và hiệu quả trong kinh doanh online.
2. Bing
Tính đến tháng 12 năm 2023, các trang web Microsoft Bing đã xử lý 7,1% tổng số truy vấn tìm kiếm tại Hoa Kỳ. Bing có chương trình phần thưởng cho phép người dùng tích lũy điểm trong khi tìm kiếm và chúng sẽ được quy đổi được tại các cửa hàng Windows và Microsoft. Vào ngày 7 tháng 2 năm 2023, Bing đã công bố phiên bản hoàn toàn mới, hỗ trợ AI của công cụ tìm kiếm có tên là "Bing Chat", hiện được gọi là Copilot. Mục tiêu được nêu là "cung cấp khả năng tìm kiếm tốt hơn, câu trả lời hoàn thiện hơn, trải nghiệm trò chuyện mới và khả năng tạo nội dung".
3. Yahoo!
Công cụ tìm kiếm Yahoo! Search từng là một đối tác đồng hành với thế hệ người dùng internet Việt Nam khi họ tiếp cận với internet toàn cầu vào những năm đầu. Điểm mạnh của Yahoo nằm ở sự đa dạng hóa bằng cách cung cấp các dịch vụ như email, tin tức, tài chính,... ngoài tìm kiếm. Tuy nhiên, thương hiệu này đã giảm sút nhanh chóng, chỉ còn chiếm khoảng 5.5% thị phần toàn cầu và đứng thứ 4 trong danh sách các công cụ tìm kiếm hàng đầu.
Mặc dù không phải là lựa chọn phổ biến như Google hay Bing, Yahoo vẫn giữ được một lượng người dùng trung thành và ổn định. Yahoo! Search tiếp tục cung cấp kết quả tìm kiếm chính xác, được điều chỉnh theo vị trí địa lý và thói quen tìm kiếm của người dùng. Trang chủ của Yahoo Search cũng cung cấp thông tin thời tiết và xu hướng tìm kiếm cá nhân.
4. Yandex
Yandex là công cụ tìm kiếm hàng đầu ở Nga và nhiều nước Đông Âu và châu Á khác. Nó có ưu điểm tìm kiếm tiếng Nga tốt hơn Google và có thuật toán loại bỏ các link không lành mạnh. Yandex không chỉ là một công cụ tìm kiếm mà còn là phần của hệ sinh thái lớn với Yandex Mail, Yandex Browser, và Yandex Map. Yandex đã bị rò rỉ dữ liệu vào tháng 1 năm 2023, khiến nhiều người nghi ngờ về độ bảo mật của nó.
5. DuckDuckGo
Không giống như Google thu thập dữ liệu người dùng rộng rãi để cá nhân hóa kết quả tìm kiếm và quảng cáo, DuckDuckGo không theo dõi hoặc lập hồ sơ người dùng. Điều này có nghĩa là khi bạn tìm kiếm trên DuckDuckGo, hoạt động của bạn vẫn ẩn danh.
Vì DuckDuckGo không theo dõi lịch sử tìm kiếm hoặc tạo hồ sơ người dùng, nên nó không cung cấp các tùy chọn lọc dựa trên hồ sơ lịch sử tìm kiếm của người dùng và không có quảng cáo nhắm mục tiêu liên tục. Điều đó có nghĩa là bạn có thể chạy tìm kiếm của mình một cách yên bình mà không phải lo lắng về việc kẻ xấu theo dõi bạn qua màn hình máy tính. DuckDuckGo là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn giữ bí mật về thói quen duyệt web và thông tin cá nhân của mình.
6. Baidu
Baidu có thể được coi là một ứng dụng công cụ tìm kiếm số một của Trung Quốc, do phần lớn người dùng là người Trung Quốc. Baidu chiếm thị phần toàn cầu khoảng 0,68% đến 11,26%. Với các tính năng tương tự như Google, Baidu được gọi là "Google của Trung Quốc". Điểm khác biệt giữa Baidu và Google là sự tiếp thu văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc mà Baidu cung cấp. Tập trung vào thị trường Trung Quốc và dân số đông đảo, Baidu đã giữ vững vị thế của mình kể từ khi ra mắt vào năm 2000.
7. Ask.com
Ban đầu, Ask.com (trước đây được biết đến là Ask Jeeves) đã nổi tiếng với biểu tượng hình nhân viên lễ tân Jeeves, và nó khởi đầu với sứ mệnh cung cấp câu trả lời chính xác cho các câu hỏi phức tạp hơn mà người dùng đặt ra. Điểm khác biệt của Ask.com là sự tập trung vào việc cung cấp câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi cụ thể, thay vì chỉ đơn thuần là danh sách các liên kết có liên quan.
Tuy nhiên, vào những năm gần đây, vị trí của Ask.com trong thị trường tìm kiếm đã giảm sút và không còn được nhắc đến nhiều như trước đây. Công ty đã chuyển trọng tâm sang các dịch vụ khác như công cụ tìm kiếm trong các ứng dụng địa phương và các nền tảng khác.
8. Naver
Công ty Internet và công cụ tìm kiếm do Lee Hae Jin sáng lập là công ty đầu tiên trên thế giới giới thiệu tính năng tổng hợp kết quả tìm kiếm theo nhiều danh mục khác nhau trên một trang web duy nhất. Trang chủ của Naver không chỉ cung cấp các nguồn tin tức đa dạng và tin tức nổi bật từ nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và giải trí mà còn cũng cập nhật danh sách từ khóa phổ biến và thông tin mới nhất như tai nạn và thiên tai. Công ty này tập trung vào việc cung cấp các kết quả bao gồm ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, dẫn đến sự thống trị của công ty này trong bối cảnh Hàn Quốc.
9. Ecosia
Ecosia, một công cụ tìm kiếm có trụ sở tại Berlin ra mắt năm 2009. Khác với tất cả các công cụ tìm kiếm khác, ý tưởng đằng sau việc ra mắt Ecosia là để tài trợ cho việc trồng cây và các dự án phục hồi khác. Khoảng 80% doanh thu tạo ra được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động từ thiện, trong đó hầu hết doanh thu được tạo ra từ các lượt nhấp vào quảng cáo.
Công cụ tìm kiếm này hợp tác với Bing và ước tính cần khoảng 45 lượt tìm kiếm để trồng một cây. Ecosia, còn được gọi là "công cụ tìm kiếm trồng cây", chiếm khoảng 0,1% thị phần toàn cầu. Khi sử dụng Ecosia, bạn không chỉ có được thông tin mà còn có thể đóng góp cho một hoạt động toàn cầu. Những con số biết nói, với 20 triệu người dùng và doanh thu 4 triệu đô la mỗi tháng, công cụ tìm kiếm này đã có thể trồng được khoảng 180 triệu cây.
10. AOL
AOL (America Online) là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực Internet và dịch vụ online. Trước khi Internet trở thành phổ biến như ngày nay, AOL đã từng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet lớn nhất tại Hoa Kỳ. AOL được biết đến nhiều nhất với các dịch vụ như email, tin nhắn tức thời, diễn đàn, và các nội dung giải trí trực tuyến.
Tuy nhiên, với sự phát triển và cạnh tranh của các công ty Internet khác, như Google và Yahoo, AOL đã trải qua nhiều thay đổi và sự suy tàn trong thập niên sau. Hiện tại, AOL là một phần của Verizon Media và vẫn cung cấp các dịch vụ email và tin tức cho người dùng, mặc dù không còn là một đối thủ chính trong lĩnh vực công nghệ như trước.
Đọc qua bài viết này, chắc chắn bạn đã biết được Search Engine là một công cụ quan trọng trong việc tìm kiếm thông tin trên Internet. Hy vọng rằng các thông tin và kiến thức trong bài viết của Website Chuyên Nghiệp đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về cách hoạt động của Search Engine.
Bài viết liên quan:
Web server là gì? Top 5 web server phổ biến hiện nay
Domain là gì? Tổng quan kiến thức về tên miền từ A - Z
Web tĩnh là gì? Web động là gì? So sánh web tĩnh và web động