DDoS là gì? Phương thức tấn công DDoS và cách phòng tránh
Theo thống kê, hàng ngàn cuộc tấn công DDoS diễn ra mỗi ngày trên khắp thế giới nhắm vào doanh nghiệp lớn nhỏ, các dịch vụ trực tuyến và thậm chí cả những người dùng cá nhân. Tình trạng downtime trung bình do DDoS gây ra lên tới 12 giờ dẫn tới những thiệt hại không thể đong đếm. Vậy thực sự DDoS là gì, chúng hoạt động như thế nào và có cách nào để tránh những hậu quả của DDoS attack hay không. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!
DDoS là gì? Định nghĩa cơ bản về DDoS Attack
DDoS (Distributed Denial of Service) là một dạng tấn công từ chối dịch vụ phân tán. Trong một cuộc tấn công DDoS, hacker sử dụng hàng loạt thiết bị đã bị chiếm quyền điều khiển từ khắp nơi trên thế giới (thường gọi là botnet) để gửi lượng lớn yêu cầu truy cập tới server đích. Mục tiêu là làm gia tăng lưu lượng truy cập đột ngột vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống.
Khi server không thể đáp ứng kịp, trang web sẽ bị tắc nghẽn, dẫn đến hiện tượng downtime hoặc hoàn toàn ngừng hoạt động. Điều này gây gián đoạn dịch vụ nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng.
Ví dụ thực tế: Trong năm 2016, cuộc tấn công DDoS nhắm vào nhà cung cấp dịch vụ DNS Dyn đã khiến hàng loạt website lớn như Twitter, Netflix, Reddit và Amazon bị gián đoạn hoạt động. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của một cuộc tấn công DDoS quy mô lớn.
Mục đích và hậu quả của các cuộc tấn công DDoS
DDoS không chỉ đơn thuần là một cuộc tấn công mạng có tính chất phá hoại mà còn mang đến những hậu quả nặng nề về kinh tế, danh tiếng và an toàn thông tin.
Tại sao hacker thực hiện tấn công DDoS?
Hacker không thực hiện DDoS attack chỉ để gây phiền toái, thay vào đó, họ thường có những mục đích rất rõ ràng:
- Tống tiền doanh nghiệp: Một số hacker sử dụng tấn công DDoS để buộc doanh nghiệp trả tiền chuộc. Họ gửi thông báo đe dọa rằng sẽ tiếp tục làm gián đoạn dịch vụ trừ khi nhận được một khoản tiền lớn.
- Phá hoại đối thủ cạnh tranh: Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh có thể đứng sau các cuộc DDoS attack nhằm gây thiệt hại cho doanh nghiệp, từ đó chiếm ưu thế trên thị trường. Đây là hành động phi đạo đức nhưng vẫn tồn tại và gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Đánh lạc hướng các hoạt động khác: Tấn công DDoS cũng có thể được sử dụng như một cách đánh lạc hướng. Trong khi doanh nghiệp bận rộn khắc phục sự cố, hacker có thể tiến hành thực hiện các mục tiêu ngầm khác.
- Chứng tỏ năng lực: Một số nhóm tin tặc thực hiện tấn công DDoS như một cách khẳng định tên tuổi trong giới tội phạm mạng hoặc để kiểm tra khả năng của mình.
Những hậu quả khi website bị tấn công DDoS
Các cuộc tấn công DDoS không chỉ gây phiền phức mà còn mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp
- Mất truy cập, downtime: Khi website hoặc dịch vụ trực tuyến bị gián đoạn do tấn công DDoS, khách hàng không thể truy cập hoặc sử dụng dịch vụ. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các nền tảng thương mại điện tử hoặc dịch vụ yêu cầu hoạt động 24/7 như ngân hàng, ứng dụng y tế. Trung bình một giờ downtime có thể khiến doanh nghiệp mất tới hàng trăm nghìn đô la doanh thu.
- Thiệt hại về kinh tế và uy tín doanh nghiệp: Một cuộc DDoS attack có thể khiến doanh nghiệp mất đi doanh thu do gián đoạn dịch vụ. Ngoài ra, chi phí để thuê chuyên gia khắc phục, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng rất tốn kém.
- Tốn kém chi phí khôi phục: Sau một cuộc tấn công DDoS, doanh nghiệp thường phải chi rất nhiều tiền để khôi phục hệ thống. Các khoản chi này bao gồm nâng cấp hạ tầng, thuê chuyên gia an ninh mạng, chi phí gián đoạn vận hành.
Cách tấn công DDoS hoạt động
Tấn công DDoS thường diễn ra theo các bước sau:
Bước 1. Xây dựng botnet: Kẻ tấn công phát tán mã độc (malware) qua nhiều hình thức như email lừa đảo, phần mềm độc hại trên các trang web hoặc khai thác các lỗ hổng bảo mật. Khi máy tính của người dùng bị nhiễm mã độc, nó sẽ trở thành một phần của botnet và bị kẻ tấn công điều khiển từ xa.
Bước 2. Điều khiển botnet: Kẻ tấn công sử dụng một máy chủ điều khiển (C&C server) để ra lệnh cho các máy tính trong botnet đồng loạt tấn công vào mục tiêu.
Bước 3. Tấn công mục tiêu: Các máy tính trong botnet đồng thời gửi một lượng lớn yêu cầu truy cập (requests) đến máy chủ mục tiêu. Lượng truy cập này có thể là các yêu cầu HTTP, TCP, UDP hoặc các loại giao thức khác tùy thuộc vào loại tấn công DDoS.
Bước 4. Quá tải hệ thống: Với số lượng lớn yêu cầu truy cập đồng thời, máy chủ mục tiêu không thể xử lý kịp, dẫn đến quá tải, hết tài nguyên (băng thông, CPU, bộ nhớ) và cuối cùng là ngừng hoạt động hoặc hoạt động rất chậm, gây khó khăn hoặc không thể truy cập cho người dùng hợp pháp.
Các loại hình tấn công DDoS phổ biến hiện nay
Tấn công DDoS ngày càng trở nên tinh vi và đa dạng, sử dụng nhiều phương thức khác nhau để làm quá tải hệ thống mục tiêu. Có thể phân loại các cuộc tấn công DDoS thành ba nhóm chính dựa trên mục tiêu tấn công.
1. Tấn công DDoS giao thức (Protocol-Based)
Loại tấn công này tập trung vào việc khai thác các lỗ hổng trong cách hoạt động của các giao thức mạng, đặc biệt là các giao thức lớp 3 và lớp 4 trong mô hình OSI (ví dụ: TCP, UDP, ICMP). Mục tiêu là làm cạn kiệt tài nguyên của máy chủ liên quan đến việc xử lý kết nối mạng.
- SYN Flood: Kẻ tấn công gửi một lượng lớn gói tin SYN (Synchronization) đến máy chủ mục tiêu, cố gắng thiết lập nhiều kết nối TCP đồng thời, làm cạn kiệt tài nguyên của máy chủ trong quá trình "bắt tay ba bước" (three-way handshake).
- UDP Flood: Kẻ tấn công gửi một lượng lớn gói tin UDP (User Datagram Protocol) đến máy chủ mục tiêu. Do UDP là giao thức không kết nối, máy chủ phải xử lý tất cả các gói tin này, gây quá tải.
- ICMP Flood (Ping Flood): Kẻ tấn công gửi một lượng lớn gói tin ICMP Echo Request (ping) đến máy chủ mục tiêu, làm ngập băng thông và tài nguyên của máy chủ.
2. Tấn công DDoS băng thông (Volumetric Attacks)
Loại tấn công này tập trung vào việc làm ngập băng thông mạng của mục tiêu bằng một lượng lớn lưu lượng truy cập. Mục tiêu là làm cho mạng của mục tiêu không thể xử lý được lưu lượng và ngừng hoạt động.
- DNS Amplification: Kẻ tấn công gửi các yêu cầu DNS giả mạo đến các máy chủ DNS công cộng với địa chỉ IP nguồn được giả mạo là địa chỉ IP của mục tiêu. Các máy chủ DNS sẽ trả về phản hồi lớn hơn nhiều so với yêu cầu ban đầu, khuếch đại lưu lượng tấn công.
- NTP Amplification: Tương tự như DNS Amplification, kẻ tấn công sử dụng các máy chủ NTP (Network Time Protocol) để khuếch đại lưu lượng tấn công.
- HTTP Flood: Kẻ tấn công gửi một lượng lớn yêu cầu HTTP đến máy chủ web nhằm mục đích làm cạn kiệt tài nguyên của máy chủ web chẳng hạn như CPU, bộ nhớ và băng thông.
3. Tấn công DDoS tầng ứng dụng (Application Layer Attacks)
Loại tấn công tầng ứng dụng tập trung vào việc khai thác các lỗ hổng trong ứng dụng web hoặc phần mềm trên máy chủ mục tiêu. Mục tiêu là làm cho ứng dụng hoặc phần mềm bị quá tải và ngừng hoạt động.
- HTTP GET Flood: Kẻ tấn công gửi một lượng lớn yêu cầu HTTP GET đến máy chủ web, yêu cầu các trang web hoặc tài nguyên cụ thể.
- Slowloris: Kẻ tấn công gửi các yêu cầu HTTP không đầy đủ đến máy chủ web, giữ các kết nối mở trong thời gian dài, làm cạn kiệt tài nguyên của máy chủ.
Dấu hiệu nhận biết website bị tấn công DDoS
Nhận biết sớm các dấu hiệu của một cuộc tấn công DDoS là rất quan trọng để có thể áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:
- Tốc độ truy cập chậm bất thường: Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Nếu trang web của bạn bỗng nhiên chậm một cách bất thường, ngay cả khi kết nối internet của bạn vẫn ổn định, thì đó có thể là dấu hiệu của một cuộc tấn công DDoS.
- Lượng truy cập tăng đột biến: Nếu bạn nhận thấy lượng truy cập vào trang web tăng đột biến một cách bất thường trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt là từ các địa chỉ IP lạ, thì đó cũng là một dấu hiệu đáng ngờ. Bạn có thể theo dõi lượng truy cập thông qua các công cụ phân tích web như Google Analytics.
- Máy chủ quá tải và ngừng hoạt động: Trong trường hợp nghiêm trọng, máy chủ của bạn có thể bị quá tải và ngừng hoạt động hoàn toàn do lượng truy cập quá lớn từ cuộc tấn công DDoS. Khi đó, người dùng sẽ không thể truy cập vào trang web của bạn.
Cách phòng tránh và giảm thiểu tấn công DDoS cho website
Tấn công DDoS là một mối đe dọa thường trực đối với bất kỳ website nào. Việc chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh và giảm thiểu tác động của tấn công DDoS là vô cùng quan trọng để đảm bảo website hoạt động ổn định và liên tục.
1. Sử dụng dịch vụ bảo vệ chống DDoS chuyên nghiệp
Đây là giải pháp tối ưu nhất cho các website quan trọng và có lượng truy cập lớn. Các nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ chống DDoS chuyên nghiệp sở hữu hạ tầng mạnh mẽ, công nghệ tiên tiến và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm để phát hiện, ngăn chặn và giảm thiểu các cuộc tấn công DDoS một cách hiệu quả.
- Ưu điểm: Khả năng bảo vệ toàn diện, hiệu quả cao giảm thiểu thời gian chết của website.
- Nhược điểm: Chi phí cao hơn so với các giải pháp tự triển khai.
Một số nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ chống DDoS phổ biến như Cloudflare, AWS Shield, Akami..
2. Tối ưu hóa cấu hình server và hệ thống mạng
Việc tối ưu hóa cấu hình server và hệ thống mạng giúp tăng cường khả năng chịu tải và giảm thiểu tác động của các cuộc tấn công DDoS.
Để tối ưu hóa cấu hình server, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Cấu hình hệ điều hành, web server (Apache, Nginx) và database server (MySQL, PostgreSQL) sao cho chúng có thể xử lý hiệu quả lượng truy cập lớn.
- Sử dụng bộ nhớ đệm (cache) để giảm tải cho server và cải thiện hiệu suất.
- Giới hạn số lượng kết nối đồng thời đến server nhằm tránh quá tải hệ thống.
Đối với hệ thống mạng, các biện pháp tối ưu hóa cần được thực hiện như sau:
- Sử dụng phần cứng mạng mạnh mẽ, bao gồm router, switch và firewall để đảm bảo kết nối ổn định và bảo mật.
- Tối ưu hóa cấu hình mạng để giảm thiểu độ trễ và tăng băng thông giúp cải thiện tốc độ truyền tải dữ liệu.
- Áp dụng các biện pháp bảo mật mạng như lọc gói tin và giới hạn tốc độ kết nối để bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công và tăng cường hiệu quả hoạt động.
3. Cài đặt tường lửa (Web Application Firewall - WAF)
WAF hoạt động như một lớp bảo vệ giữa website và internet, kiểm tra và lọc các yêu cầu HTTP/HTTPS đến website. WAF có khả năng phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS tầng ứng dụng (HTTP Flood, Slowloris) cũng như các loại tấn công web khác như SQL injection, cross-site scripting (XSS). Có hai loại WAF chính:
- Phần cứng WAF: Được triển khai dưới dạng thiết bị phần cứng.
- Phần mềm WAF: Được triển khai dưới dạng phần mềm trên server hoặc trên cloud.
4. Phát hiện sớm và ứng phó khi bị DDoS
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của một cuộc tấn công DDoS rất quan trọng để có thể áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời và giảm thiểu thiệt hại.
Để phát hiện các dấu hiệu này, có thể thực hiện các biện pháp giám sát sau:
- Giám sát lưu lượng truy cập: Quản trị viên cần theo dõi lưu lượng truy cập vào website thông qua các công cụ phân tích web như Google Analytics để phát hiện sự gia tăng bất thường.
- Giám sát hiệu suất server: Theo dõi tình trạng tài nguyên của server bao gồm CPU, RAM và băng thông, để nhận diện các dấu hiệu của quá tải.
- Sử dụng hệ thống cảnh báo: Thiết lập hệ thống cảnh báo tự động để phát hiện các dấu hiệu bất thường và thông báo kịp thời.
Khi phát hiện hệ thống bị tấn công DDoS, các bước ứng phó cần thực hiện như sau:
- Thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ hosting hoặc dịch vụ bảo vệ chống DDoS: Bạn cần ;liên hệ ngay với nhà cung cấp để thông báo về sự cố và yêu cầu hỗ trợ kịp thời.
- Kích hoạt các biện pháp giảm thiểu tấn công: Nếu hệ thống có các biện pháp giảm thiểu tấn công, bạn cần kích hoạt ngay để giảm thiểu tác động của cuộc tấn công.
- Phân tích nhật ký server: Kiểm tra các nhật ký của server để xác định nguồn gốc và hình thức của cuộc tấn công.
- Cập nhật các biện pháp bảo mật: Cập nhật các biện pháp bảo mật, bổ sung các chính sách bảo vệ mới để ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS tương tự trong tương lai.
Tấn công DDoS (Distributed Denial of Service) là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các website và hệ thống trực tuyến. Hiểu rõ về nguyên lý hoạt động và các phương thức tấn công DDoS sẽ giúp doanh nghiệp và chủ website có những biện pháp phòng tránh hiệu quả. Bằng cách sử dụng các phương pháp được gợi ý trong bài viết của Website Chuyên Nghiệp, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. Chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời là yếu tố quan trọng để bảo vệ website và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
Bài viết liên quan:
Lập trình web là gì? Các bước lập trình web cơ bản
Deep web là gì? Hướng dẫn truy cập deep web an toàn
Website development là gì? Quy trình phát triển web từ A đến Z